Kết quả Loạn Tô Tuấn

Tô Tuấn tử trận

Đôi bên giằng co lâu ngày, Tô Tuấn chia quân cướp bóc khắp nơi, không ai địch nổi, lòng người sợ hãi. Ôn Kiệu tuy lớn tiếng quát mắng, đưa quân ra đánh thì cũng thua trận, đâm ra kiêng dè. Kiệu hết lương, đến mượn Đào Khản. Khản nổi giận, trách Kiệu làm trái lời giao ước binh lương tự túc khi mới hội quân, đòi lui về Kinh Châu. Kiệu lấy đại nghĩa can ngăn, nhưng chỉ là lời suông. Mao Bảo xin đến gặp Khản, hiến kế đốt lương của Tô Tuấn. Khản thấy khả thi, bèn chia cho Kiệu 5 vạn thạch gạo, giữ Bảo ở lại làm Đốc hộ. Bảo đốt kho lương của Tô Tuấn ở 2 huyện Cú Dung, Hồ Thục. Tô Tuấn rơi vào cảnh đói kém, Khản không đi nữa.

Bọn Trương Kiện, Hàn Hoảng đánh Đại Nghiệp rất gấp. Trong lũy thiếu nước, người phải uống cả nước phân. Quách Mặc sợ, đột vây ra ngoài, để quân đội ở lại giữ lũy. Tham quân của Si Giám là Tào Nạp khuyên Giám lui về Quảng Lăng, ngày sau sẽ cất quân cần vương. Giám gọi tất cả bộ hạ đến, chém Nạp làm gương, lòng ngươi mới yên.

Đào Khản theo kế ‘vi Ngụy cứu Triệu’ của Trưởng sử Ân Tiện (anh của Ân Dung), vì quân Kinh Châu quen thủy chiến hơn bộ chiến, nên đánh gấp Thạch Đầu thay vì cứu Đại Nghiệp. Khản đưa thủy quân hướng về Thạch Đầu, Dữu Lượng, Ôn Kiệu, Triệu Dận lên bờ ở phía nam Bạch Thạch, khiêu chiến phản quân. Tô Tuấn đưa 8000 quân đón đánh, sai con trai Tô Thạc cùng bộ tướng Khuông Hiếu áp sát Triệu Dận, đánh bại cánh quân này. Tuấn đang úy lạo tướng sĩ, gặp lúc say rượu trông thấy Dận chạy trốn, nói: "Hiếu có thể phá giặc, ta lại không được sao!" Nhân đó cho mọi người nghỉ ngơi, đưa vài kỵ binh phá trận, nhưng chưa vào được, muốn quay về gò Bạch Mộc 20 thì ngựa bị vấp. Tướng của Khản là bọn Bành Thế, Lý Thiên lấy mâu mà ném, Tuấn nhào khỏi đầu ngựa, bị băm nát, đốt cả xương. Liên quân đều hô vạn tuế, phản quân tan vỡ.

Giành lại Thạch Đầu

Hàn Hoảng nghe tin Tô Tuấn đã chết, kéo quân về giữ Thạch Đầu. Bọn Tư mã Nhiệm Nhượng lập Tô Dật, em của Tuấn, làm chủ, đóng chặt cửa thành cố thủ.

Tướng của Tô Tuấn là Quản Thương, Hoằng Huy đánh lũy Trang Đình, Đốc hộ Lý Hoành, Khinh xa trưởng sử Đằng Hàm phá được. Thương đầu hàng Dữu Lượng, còn lại đều về với Trương Kiện.

Tháng giêng năm thứ 4 (329), Quang lộc đại phu Lục Diệp cùng em trai là Thượng thư tả bộc xạ Lục Ngoạn thuyết phục được Khuông Thuật dâng Uyển Thành đầu hàng.

Hữu vệ tướng quân Lưu Siêu, Thị trung Chung Nhã cùng bọn Kiến Khang lệnh Quản Mô mưu tính đưa Đế ra với liên quân. Việc bị tiết lậu, Tô Dật sai Nhiệm Nhượng đem quân vào cùng bắt Siêu, Nhã. Đế ôm lấy họ mà khóc: "Trả thị trung, hữu vệ của ta!" Nhượng giật lấy hai người mà giết đi.

Tô Dật, Tô Thạc, Hàn Hoảng ra sức đánh Đài thành, bị Mao Bảo đẩy lui.

Tháng 2, liên quân tấn công Thạch Đầu, Kiến uy trưởng sử Đằng Hàm (được thăng chức) đánh bại Tô Dật. Tô Thạc đưa mấy trăm dũng sĩ vượt sông Hoài giao chiến, bị Ôn Kiệu chém chết. Bọn Hàn Hoảng sợ, muốn chạy về với Trương Kiện ở Khúc A, không mở được cửa, đợi đến đêm thì trèo qua, phản quân tử thương đến vài vạn. Liên quân bắt được Tô Dật, chém đi.

Bộ tướng của Đằng Hàm là Tào Cư ẵm Đế lên thuyền của Ôn Kiệu, quần thần dập đầu xin tha tội. Tây Dương vương Tư Mã Dạng và những người hưởng ứng Tô Tuấn bị giết. Đào Khản vì tình quen biết cũ, xin tha cho Nhiệm Nhượng, Đế nhớ oán cũ, sai đem chém.

Quét sạch tàn dư

Trong lúc liên quân đánh Thạch Đầu, Quan quân tướng quân Triệu Dận sai bộ tướng Cam Miêu đánh Tổ Ước ở Lịch Dương. Ước đưa mấy trăm bộ hạ chạy sang Hậu Triệu, còn lại đều ra hàng.

Sau khi phản quân mất Thạch Đầu, Trương Kiện ngờ bọn Hoằng Huy hai lòng, đều giết đi. Kiện đưa thủy quân từ huyện Duyên Lăng muốn vào Ngô Hưng. Dương liệt tướng quân Vương Doãn Chi cùng quân đội các nơi ở Ngô Hưng đánh bại phản quân, bắt hơn vạn nam, nữ.

Kiện lại cùng bọn Hàn Hoảng, Mã Hùng chạy về phía tây nhắm đến huyện Cố Chướng. Si Giám sai Lý Hoành đuổi theo, bắt kịp ở núi Bình Lăng [9], vây đánh rất gấp. Hoảng xuống núi giao chiến, bắn chết rất nhiều quan quân, hết tên mới bị giết. Bọn Kiệu đầu hàng, đều bị bêu đầu. Loạn Tô Tuấn, Tổ Ước đến đây kết thúc.